82 lượt xem

Đại biểu Quốc hội: Gói hỗ trợ tiền tệ còn mờ nhạt

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cân đối giữa quy mô chính sách tài khoá và tiền tệ cho chương trình tổng thể phục hồi kinh tế thì “gói hỗ trợ tiền tệ còn mờ nhạt”.

Nhận định này được các đại biểu nhận xét khi góp ý kiến, thảo luận ở tổ, chiều 4/1, về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Theo dự thảo Nghị quyết này, quy mô chính sách tài khoá là 291.000 tỷ đồng, trong khi đó, chính sách tiền tệ chỉ khoảng 46.000 tỷ đồng.

Ông Trịnh Xuân An, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhận xét, chưa có sự cân đối giữa gói chính sách hỗ trợ tài khoá và tiền tệ. “Chúng ta bỏ ra lượng lớn tiền từ chính sách tài khoá, nhưng về mặt chính sách tiền tệ lại chưa đúng với kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp”, ông An nói và cho rằng, Chính phủ cần có tính toán thêm để cân bằng vai trò của chính sách tiền tệ trong tổng thể chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đồng tình khi cho rằng “gói tiền tệ còn hơi mờ nhạt”. Ông phân tích, với hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn là chính sách tài khoá bỏ ra để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Ước tính khi giải ngân được hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nền kinh tế có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng, nhưng không phải vay mới mà có thể là vay đảo nợ.

Với tình trạng sức khoẻ doanh nghiệp hiện rất khó khăn, ông Cường cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc thêm giải pháp bảo lãnh vay. Vì nếu để doanh nghiệp tự vay, số nhận được hỗ trợ lãi suất sẽ không nhiều, khó tiếp cận.





Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ, chiều 4/1. Ảnh: Hoài Thu

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ, chiều 4/1. Ảnh: Hoài Thu

Thẩm tra trước đó, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ lượng hoá các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế. Trong đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5% đến 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Hay cần có giải pháp mang tính khả thi hơn trong tái cấp vốn, gia hạn vay tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương.

Cũng góp ý vào chương trình tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhắc tới quy mô đủ lớn, đúng và trúng đối tượng của gói hỗ trợ lần này. Ông cũng cho rằng cần tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ. Như gói giảm phí, lệ phí, nếu tính toán càng sát, sau này càng dễ thực hiện. Ngược lại, nếu tính không sát, sau này đội lên thì rất khó.

Còn ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang lại nêu 5 yếu tố quan ngại, là những hệ quả từ việc thực hiện các chính sách này trong thực tế.

Trước tiên là mối lo về cân đối vĩ mô, nợ công, nợ Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, đặc biệt là lạm phát. Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, lạm phát hiện ở mức thấp, nhưng cũng không thể coi thường. Thực tế một số nước như Mỹ khi tung gói hỗ trợ, lạm phát tăng gấp ba, còn châu Âu tăng gấp bốn.





Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách phát biểu tại họp tổ chiều 4/1. Ảnh: Hoài Thu

Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách phát biểu tại họp tổ chiều 4/1. Ảnh: Hoài Thu

Bên cạnh đó là mối lo nợ xấu đang hiện hữu. Theo dự báo, nợ xấu có thể tăng lên tới 8%. Trong khi đánh giá của ngành ngân hàng cho thấy, các nhà băng đang cơ cấu lại nợ, trong đó có các khoản nợ xấu. Ông Lâm cho rằng, nếu không thận trọng, không có cách gỡ thì nợ xấu lại trở thành “cục máu đông, gây ách tắc nền kinh tế” như giai đoạn trước đây. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình để có giải pháp xử lý kịp thời.

Mối lo nữa được vị đại biểu tỉnh Bắc Giang nêu ra là đầu cơ, bong bóng tài chính, bất động sản khi gói hỗ trợ này được tung vào thị trường. “Chưa đưa ra gói hỗ trợ tổng thể, thị trường bất động sản, chứng khoán đã sốt nóng. Khi quy mô thị trường lớn nhưng sử dụng vốn ít, sẽ gây lãng phí tài sản xã hội. Không cẩn thận sẽ kích thích bong bóng tài chính, bất động sản”, đại biểu Trần Văn Lâm lưu ý.

Ông cũng lo ngại vấn đề lãng phí, thất thoát trong triển khai chương trình hỗ trợ tài khoá, tiền tệ này. Thực tế, cùng với chi tiêu vào các dự án cũng luôn tiềm ẩn vấn đề tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Nên nếu không làm tốt, gánh nặng thất thoát này sẽ “đổ” vào nền kinh tế và hậu quả là chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR) tăng cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, ông tỏ ý nuối tiếc khi “huy động nguồn lực đầu tư theo phương thức công – tư (PPP) bị bỏ rơi”. Đầu tư theo hình thức này trong các dự án giao thông thuận lợi hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, nhưng tới giờ các dự án thành phần trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam dự kiến đầu tư theo PPP hiện đều đã “thu hẹp lại, chuyển sang đầu tư công dù đã có Luật PPP riêng.

Gỡ nghẽn cho các dự án PPP và huy động thêm nguồn lực cho phục hồi kinh tế, ông Trần Thanh Lâm đề xuất có thể nghiên cứu cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn cho dự án PPP. “Nếu lãi suất huy động trái phiếu bằng lãi vay ngân hàng cũng sẽ hút được nguồn lực trong dân vào loại trái phiếu, giúp doanh nghiệp thực hiện được dự án PPP”, ông Lâm đề nghị.

Không dưới một lần các vị đại biểu Quốc hội nhắc tới việc cần phải có sớm chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua chính sách tài khoá, tiền tệ, song họ băn khoăn về huy động nguồn lực cho chương trình này.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện nay vốn ODA chưa rõ tính khả thi, nhưng trong Chính phủ có nguồn lực là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. “Đề nghị Chính phủ xác định rất thực tế vì nếu không rất khó huy động vốn. Huy động không kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân và hiệu quả”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, nguồn vốn trong dân rất lớn. “Thị trường chứng khoán và bất động sản tăng là do vốn trong dân”, ông Thân nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu giải pháp để huy động được nguồn vốn này cho quá trình phục hồi kinh tế.

Ông băn khoăn, nhiệm kỳ khóa XIV đã chấp nhận vay nước ngoài với lãi suất 6%/năm, tại sao không phải vay dân với lãi suất 6%/năm? Theo ông, phải tìm cách để “người dân ùn ùn kéo đến gửi tiền, gửi vàng”, và Chính phủ cần đứng ra huy động vốn từ dân, vì “chắc chắn là tin Chính phủ hơn doanh nghiệp tư nhân”.

Trước những băn khoăn về huy động nguồn lực cho phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ huy động nguồn lực “linh hoạt, bền vững nhất” cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Ông cho hay, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội để gói kích cầu lần này giải quyết những nút thắt, giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư. Chẳng hạn giao cho các địa phương làm chủ đầu tư dự án, tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng, như trong lĩnh vực giao thông, để đẩy nhanh hơn việc đầu tư các dự án công.

Hoài Thu – Hoàng Thuỳ

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết mới cập nhật:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *