131 lượt xem

Nhà vườn trồng thanh long lo không có người mua

Trung Quốc dừng nhập thanh long khiến các nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận khốn đốn vì không bán được hàng.

Ngày 30/12, hàng loạt vườn thanh long ở các xã Hàm Mỹ, Mương Mán, Hàm Thạnh và Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) đã chín đỏ, nhưng không được hỏi mua. Tuyến đường Mương Mán không còn cảnh nườm nượp xe ra vào chở thanh long về vựa.





Thanh long chín đỏ trong vườn nhà ông Nguyễn Luân, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), ngày 30/12. Ảnh: Việt Quốc

Thanh long chín đỏ trong vườn nhà ông Nguyễn Luân, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), ngày 30/12. Ảnh: Việt Quốc

Nhà ông Nguyễn Luận, ở thôn Văn Phong, xã Mương Mán trồng 800 trụ thanh long. Lứa gần Tết, ông cho chong điện trái vụ 350 trụ. Còn hai ngày nữa là đến lúc thu hoạch nhưng ông kể chưa thấy thương lái nào đến hỏi.

Hơn 3 tấn trái chín tới đang còn nằm lủng lẳng trên cành. Sáng nay, ông Luận vẫn tiếp tục tưới nước giữ độ tươi cho trái. “Nghe nói cửa khẩu đóng cửa, tôi rất lo vì hàng còn trên cây chưa bán được”, ông Luận cho hay.

Ở vườn của bà Võ Thị Ngọ ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, lứa chong đèn trái vụ này cho ra được 9.000 quả, khoảng 4,5 tấn. Số thanh long này 3 ngày nữa tới kỳ thu hoạch. Tuần trước, bà thấy các vườn cạnh bên bán được giá 14.000-16.000 một kg nên tưởng Tết năm nay gia đình “được ăn Tết lớn” vì sẽ có trong tay vài chục triệu.

Nhưng mấy ngày qua, giá thanh long đột nhiên xuống mạnh, chỉ còn 5.000-6.000 đồng một ký và hôm nay không có thương lái nào đến hỏi mua nữa. “Tôi lo quá, chắc lứa này mất trắng luôn rồi”, bà Ngọ buồn rầu.

Bà Nguyễn Thị Trinh, thương lái chuyên đi mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc cho biết hầu như các vựa không xuất được hàng. “Vựa không mua nữa, nên thương lái như chúng tôi cũng nghỉ luôn”, bà nói.

Với tình hình này, theo thương lái Trinh, không những nông dân khốn đốn màngười buôn bán như bà cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các vựa không xuất được hàng, nên họ cũng không có tiền để trả nợ cho thương lái. “Chưa năm nào làm ăn buồn như thế”, bà Trinh nói.

Một chủ vựa (giấu tên) ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hơn chục container thanh long của cơ sở đang bị ùn ứ tại biên giới Trung Quốc nửa tháng qua. Ông vừa quyết định cho các xe quay đầu về bán giá rẻ ở chợ các tỉnh phía Bắc. “Vớt vát được chút nào hay chút đó, chứ tình hình này là thua rồi”, người này nói.

Trong ngày, hầu hết vựa lớn dọc quốc lộ 1A ở Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc ngừng nhận hàng. Chỉ một vài vựa nhỏ đóng hàng nội địa (gửi xe khách đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc) còn mở cửa, nhưng chỉ đóng với lượng hàng ít ỏi đã đã đặt cọc trước đó.

Bình Thuận là nơi trồng thanh long nhiều nhất Việt Nam, với hơn 30.000 ha, sản lượng trên 600.000 tấn một năm. Đến nay, nhiều nước đã cho phép nhập khẩu trái thanh long của Bình Thuận, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực thông qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Hôm nay, Sở Công Thương Bình Thuận cho hay, Hải quan Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến 26/1 năm sau với lý do một số mẫu thanh long kiểm tra có kết quả dương tính với Covid-19.

Trước đó, các cửa khẩu: Tân Thanh (Lạng Sơn), Hà Khẩu (Lào Cai), Thanh Thủy (Hà Giang), Hà Luân (Quảng Ninh) cũng đã dừng thông quan.

Số lượng xe chở thanh long Bình Thuận đang bị tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc (Lạng Sơn và Quảng Ninh) khoảng 400 xe, tương đương 8.000 tấn. Phần đông các chủ hàng đã lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa tại các tỉnh phía Bắc.

Theo Sở Công thương Bình Thuận, đầu tháng 12, tình hình thu mua thanh long tại các nhà vườn vẫn bình thường, giá khoảng 10.000-16.000 đồng một kg. Nhưng nay giá thu mua đã đột ngột giảm mạnh, kể cả hàng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Giá không chỉ thấp mà thậm chí, hàng loại ba bị loại bỏ, không được thu mua.

Việt Quốc

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết mới cập nhật:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *